Self-Development

Những điều mình học được ở J&J

Đã có ý tưởng để viết về chủ đề này từ ngày chuẩn bị nghỉ việc, vậy mà hơn 2 tháng sau mới có thời gian để bắt tay vào gõ bài, và cho tới lúc post được thì đã là 5 tháng hahaa. Chữ nghĩa chắc cũng rơi rớt nhiều, thôi thì nhớ gì viết nấy, có còn hơn không haha 😀

Mình chính thức khép lại hành trình tại Johnson & Johnson (J&J) Việt Nam từ cuối tháng 7. Hơn 2 năm là một khoảng thời gian không dài, nhưng với mình là vừa đủ. Như thế nào được gọi là đủ? Khi đi làm có 2 yếu tố cực kỳ quan trọng để khiến mình gắn bó với một công việc – 1 là sự học hỏi, 2 là sự đóng góp. Sau hơn 2 năm thì cả hai yếu tố này mình đã tạm hài lòng, và thêm 1 điểm cực kỳ quan trọng nữa là “duyên” tới, nên đến lúc phải rời đi thôi :P. Nhưng thật sự mình rất trân trọng khoảng thời gian này, khi chiêm nghiệm lại thấy mình học được rất nhiều – không phải chỉ những kiến thức hay kỹ năng trong công việc, mà còn là những trải nghiệm để giúp mình tự rút ra bài học cho bản thân. Hôm nay ngồi viết lại để tự nhắc nhớ bản thân cũng như chia sẻ với mọi người nhé.

Chiếc hình chụp hôm chia tay mọi người 😦
  1. Một người sếp tốt cực kỳ quan trọng

Nghe có vẻ hiển nhiên nhỉ? Hồi làm Pepsi mình cũng trải qua 6 7 “đời” sếp :D, cũng có người hợp người không, nhưng chắc lúc đó còn khờ dại nên mình chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của người sếp lên sự phát triển của bản thân.

Khi qua J&J thì có một sự việc gây shock giúp mình thức tỉnh :D. Thời gian đầu ở công ty mới thực sự là một cơn ác mộng đối với mình, vì chuyển qua một ngành hoàn toàn mới, công việc mới và người sếp tuyển mình thì nghỉ trước khi mình vào. Dù cũng lường trước được là sẽ khó khăn nhưng mình thực sự không tưởng tượng được mức độ đáng sợ của việc có quá nhiều thay đổi cùng một lúc mà lại thiếu người hỗ trợ. Mình không học hỏi được, không đóng góp và chứng minh được năng lực của bản thân mà mỗi ngày cứ tới công ty vật vờ như một bóng ma :))) Sau khoảng 2 tháng thì vị trí sếp của mình cũng được tuyển. Sau này mình cứ hay đùa là sự xuất hiện của chị ấy đã cứu sống mình :))) Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về một “người sếp tốt”. Vậy những điểm gì khiến mình trân trọng nhất ở chị sếp của mình?

  • Đưa phản hồi thẳng thắn và kịp thời. Việc khen chắc chắn rất quan trọng, nhưng “chê” đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách còn cần thiết hơn nữa cho sự phát triển của một người. Với mình thì những nhận xét mang tính đóng góp giống như một liều thuốc vậy, đắng và không dễ tiếp nhận đâu, nhưng lại cực kỳ có ích. Có điều không phải người sếp nào cũng có thể đưa ra phản hồi một cách phù hợp. Mình từng rất shocked khi nghe được những nhận xét từ 1 người sếp cũ của mình thông qua một người thứ 3 – những phản hồi rất tệ mà mình chưa từng được nghe trục tiếp từ người đó. Dù ngay từ meeting đầu tiên với người sếp ấy mình có chia sẻ rằng mình rất cởi mở với phản hồi và mong nhận được nhận xét càng kịp thời càng tốt. Style sếp như thế này về sau mình cực kỳ tránh.
  • Lắng nghe và tôn trọng. Mình có nghe kể lại là trước khi vào công ty thì chị sếp cũng “được” nghe một số thông tin không tốt về mình. Nhưng chị ấy vẫn nói chuyện, lắng nghe và làm việc với mình bình thường, không bị ảnh hưởng bởi những định kiến này. Nhờ đó mà chị ấy có thể đánh giá mình một cách khách quan và công bằng, cũng khiến cho mình tâm phục khẩu phục.
  • Trao quyền. Một tố chất được nhắc tới RẤT NHIỀU khi nói về kỹ năng lãnh đạo. Nhưng thực tế thì không nhiều người làm được :P. Mình nghĩ để có thể trao quyền cho người khác cần một sự dũng cảm nhất định, để buông bỏ quyền kiểm soát, chấp nhận rủi ro có thể xảy ra và lui về hậu trường để nhân viên của mình có thể tỏa sáng. Và mình may mắn vì gặp được một người sếp như vậy, nhất là khi mình cũng là một đứa khá có chính kiến và độc lập trong công việc. Nhờ sếp mà nhiều ý tưởng của mình được thực hiện, mình cũng luôn trong tinh thần phải đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân, nhờ đó tốc độ phát triển cũng vùn vụt luôn 😛
  • Có “tâm”. Tạo điều kiện thoải mái và hỗ trợ để nhân viên có một cuộc sống riêng ngoài công việc, chứ không phải chỉ biết đắm mình chăm chăm làm việc. Sếp không quản lý mình bằng số giờ làm việc mà bằng số lượng và chất lượng công việc. Mình thực sự rất “nể” cách quản lý này vì nó thể hiện sự tin tưởng ở mức độ cao nhất. Và kết quả là khi mình có một cuộc sống thoải mái, mình cũng yêu công việc và năng suất hơn rất nhiều, lại còn tin tưởng và yêu thương sếp nữa, đúng là một mũi tên trúng nhiều đích 😀

Và kết quả là, sau 2 năm ở J&J, khi mình rời đi nhận được rất nhiều lời cảm ơn, khen ngợi và cả tiếc nuối từ các anh chị lãnh đạo và nhân viên công ty. Một cảm giác tự hào cực kỳ, và 50% thành công của mình tới từ việc mình có được một người sếp tốt. Nên mọi người hãy nhớ rằng khi đi tham gia phỏng vấn, không phải chỉ công ty và sếp chọn mình, mà là mình cũng đang chọn ngược lại nữa nha, hãy nhớ tự đưa ra các tiêu chí của một người sếp tốt đối với mình và quan sát/ đặt câu hỏi để có thêm đánh giá về họ qua các buổi phỏng vấn/ network của mình nhé!

Chiếc hình hiếm hoi với chị sếp
Chiếc thư chia tay của bác tổng làm mình siêu cảm động
Lì xì siêu dễ thương của bác Head Consumer

2. Sức mạnh của tập thể và sự đa dạng

Lại một điều nghe có vẻ hiển nhiên nữa nhỉ? Hồi mình làm Pepsi thì team HR khá đông, mình cũng có team nhỏ ở dưới nên hầu như các công việc mình sẽ làm độc lập/ làm với team nhỏ của mình, không có nhiều cơ hội làm việc theo dự án với các team khác. Nhưng đi qua J&J thì khác, bên này cơ cấu HR rất “lean”, riêng nhánh HRBP thì chỉ có mình và sếp mình. Và nếu mình tiếp tục làm theo cách cũ thì hoặc là không làm được gì, hoặc là chìm nghỉm trong công việc. Nhưng qua đây mình quan sát được 1 điểm khá hay, và có vẻ như ngành dược rất nhiều công ty có văn hóa như vậy :-?, là nhân viên rất sẵn sàng và cởi mở để tham gia dự án của các team khác, để học hỏi & nâng cao kỹ năng cũng như “exposure”.

Ở J&J VN lúc đó không có người phụ trách riêng về L&D (Learning & Development), tuy nhiên đây là đam mê, thế mạnh của mình cũng như nhu cầu rất lớn của tổ chức. Sau khi thuyết phục được Ban lãnh đạo thì mình đã tạo được một đội ngũ các Chiến binh hùng hậu từ khắp các phòng ban – mang tên LEAD, lập ra để chuyên phụ trách các hoạt động học tập và phát triển cho công ty. Đây cũng là dự án mình tự hào nhất sau 2 năm làm việc tại J&J. Những điều gì làm cho dự án này đặc biệt tới vậy?

  • Sự đa dạng. Một chương trình cho Nhân viên nhưng chỉ có HR tham gia vào khâu tổ chức thì đôi khi dễ bị mang tiếng “lý thuyết”. HRBP dù có hiểu phòng ban mình phụ trách tới mấy cũng không thể bằng một người đang làm chính công việc đó được. Nên việc có sự tham gia của các thành viên đến từ nhiều phòng ban khác nhau giúp tụi mình có cực nhiều insight hữu ích, nên từ khâu lên ý tưởng cho tới thực thi đều được cả nhóm thảo luận kỹ lưỡng để đảm bảo sát với nhu cầu của nhân viên nhất có thể.
  • Sự quan tâm. Một trong những thử thách của việc làm các hoạt động L&D là làm thế nào để thu hút nhân viên, vì đây là những chương trình không bắt buộc. Mình nhận ra rằng cách tốt nhất để một người quan tâm tới vấn đề gì đó là để họ tham gia vào việc thực thi :D. Khi có một đội ngũ core team tới từ nhiều phòng ban và dành ra nhiều tâm huyết để xây dựng chương trình, họ cũng chính là những người “sứ giả” tuyệt vời nhất để lan tỏa tinh thần học tập tới những thành viên team của mình.
  • Sự học hỏi. Thực sự ngay từ đầu khi thực hiện dự án này, mục tiêu của mình và sếp không chỉ dừng lại ở việc tạo ra văn hóa học tập cho tổ chức, mà còn là việc hỗ trợ các thành viên core team phát triển chính mình. Nên khi tham gia dự án, các bạn trong team đều sẽ được lead một chương trình tùy theo mong muốn của mình. Riêng với bản thân mình thì 2 điều học được nhiều nhất là (1) Lead without Authority – Đây là một dự án hoàn toàn tự nguyện, mình cũng không có quyền lực với các thành viên trong nhóm, vậy phải làm gì để tạo cảm hứng và động lực cho mọi người? và (2) Empower – Học cách để tạm quên đi những thứ mình tưởng rằng mình biết, tưởng rằng mình giỏi, để lắng nghe và cởi mở với những góc nhìn mới cũng như giảm bớt cái cầu toàn của mình lại để team được thử, được làm và được tỏa sáng.

Với những nỗ lực của cả team thì tụi mình nhận được hưởng ứng rất nhiệt tình từ nhân viên, hầu như chương trình nào cũng có ít nhất 2/3 nhân viên tham dự. Thậm chí có những lời khen kiểu:”Chưa bao giờ được tham gia một chương trình hay như vậy tại J&J.” Mình rút ra được gì từ câu chuyện này? Đừng có ôm khư khư mọi thứ vào làm một mình nữa! (Hồi xưa mình hay vậy, giờ nghĩ lại thấy khổ ghê!) Muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau, muốn tạo được ảnh hưởng lớn thì hãy mời gọi mọi người cùng tham gia và đồng hành với mình.

3. Chấp nhận thử thách và vượt qua khỏi giới hạn của chính mình

Hồi mới vào J&J mình thấy có 1 điểm lạ là cách công ty xây dựng văn hoá DE&I (Diversity, Equity & Inclusion). Hồi trước làm Pepsi mình cũng có nghe về khái niệm này, nhưng cái hiểu của mình cũng còn giới hạn, và văn hoá này chủ yếu được drive bởi team nhân sự. Nhưng ở J&J thì khác, họ tạo ra các Employee Resources Group, mỗi nhóm sẽ đại diện cho 1 cộng đồng khác nhau (VD: LGBTQ, Women’s Leadership, Generation Now,…) và những nhóm này được lead bởi chính nhân viên. Mình cũng thấy lạ kỳ, tại sao nhân viên chấp nhận nhận thêm một công việc khác hoàn toàn không liên quan tới công việc chính của mình, và cũng không được lĩnh thêm lương thưởng gì. Cho tới 1 ngày, nhóm Women’s Leadership & Inclusion của Việt Nam thiếu leader và các sếp ngỏ ý “nhờ” mình lấp chỗ. Lúc đầu mình cũng suy nghĩ dữ lắm, vì mình vốn ko quan tâm lắm tới mấy ch vĩ mô như đòi quyền lợi cho phụ nữ, mình cũng chẳng muốn tự dưng làm thêm việc mà không được lợi ích gì. Nhưng suy đi tính lại, vì nhiều lý do – vừa là ngại với mấy sếp, vừa là tò mò, vừa muốn có thêm 1 chút trải nghiệm “international”, nên mình gật đầu đại.

Khi bắt đầu làm tham gia với vị trí leader, mình buộc phải đi tìm hiểu và học hỏi xem cụ thể tại sao có cái nhóm này trên đời và cần làm cái gì để cho có chút thành tích :))). Bắt đầu từ những chuyện rất routine như kiểu tổ chức 20/10 hay 8/3. Sau đó càng tìm hiểu mình mới càng thấy rõ vấn đề về Bất bình đẳng giới tồn tại như thế nào – và trước đây mình đã thiếu kiến thức và nhận thức tới đâu. Từ đó thì mình thấy có cảm hứng và động lực hơn, bắt đầu xây dựng nhóm và làm những hoạt động có ý nghĩa hơn như là nâng cao nhận thức về Bất bình đẳng giới cho mọi người. Cũng nhờ trải nghiệm này mà tình cờ một cơ hội hay ho tới với mình. Mình được tham gia khoá học về Bình đẳng giới của USAID kết hợp với Đại học Fullbright và sau đó đại diện cho Fullbright dạy khoá học này cho các công ty năng lượng lớn trong khu vực Đông Nam Á. Nó cũng dẫn tới rất nhiều cơ hội thú vị khác mà chắc mình sẽ viết trong 1 bài khác.

Đúng với tinh thần đó thì mình cũng đăng ký một cái assignment bên vùng. Thực ra mà nói thì mình không làm được quá nhiều vì chưa hết dự án mình đã xin nghỉ cty rồi, nhưng những thứ học hỏi được thì vô kể. Nhiều khi chỉ cần ngồi vào 1 cái meeting có thành viên từ hơn chục quốc gia khác nhau tham dự, chỉ nghe và quan sát thôi đã học được 1 rổ kiến thức. Và tài liệu thì khỏi nói luôn, với 1 đưa ham collect tài liệu như mình thì đúng là một thiên đường 😂😂 Điều mình rút ra được ở đây là gì? Nếu một cơ hội học tập tới với mình thì hãy nắm lấy nó, đừng vì ngại hay sợ mà từ chối. Vì việc học hỏi là trọn đời, mở mang kiến thức không bao giờ là lãng phí, và bạn không bao giờ biết những cái gật đầu đó sẽ mở ra biết bao nhiêu cánh cửa khác cho mình. Bước ra khỏi vùng an toàn của mình thật sự rất đáng sợ lúc đầu, nhưng cứ nhắm mắt gật đầu bước tới thì sẽ thấy mình lớn và trưởng thành hơn rất nhiều.

Mỗi công việc với mình đều là một trải nghiệm học tập tuyệt vời. Viết ra như thế này khiến mình được nhắc nhớ thêm một lần nữa và tiếp tục duy trì những điều đã được học này trong tương lai. Nếu bạn đã đọc được tới đây, có điều gì bạn thấy kết nối và muốn thực hiện trong công việc hiện tại của mình? Cho mình biết ở phần nhận xét nhaaa!

Leave a comment